Thị trường mua bán nợ Việt Nam: Thực trạng và chính sách phát triển

Nợ xấu là một trong những vấn đề thường trực luôn đe dọa sự tồn tại và phát triển ổn định của hệ thống tài chính ở các quốc gia. Đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng hay thời kỳ tái cấu trúc hệ thống tài chính, nợ xấu lại được bàn đến như một trong những vấn đề cốt lõi nhất cần giải quyết. Nhưng đến nay, con số nợ xấu chính xác là bao nhiêu vẫn là một ẩn số. Đây thực sự là một trong những khó khăn lớn để giải quyết vấn đề nợ xấu.

            Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, mua bán nợ chính là một trong những biện pháp quan trọng để thoát khỏi khủng hoảng. Khi xử lý được nợ xấu sẽ ổn định tài chính trong nước và nâng cao sức mạnh cho các định chế tài chính.

            Do vậy, phát triển thị trường mua bán nợ là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thị trường trên thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cho thấy, thị trường này phát triển, sẽ giúp cho tình hình tài chính trong các doanh nghiệp và cả các ngân hàng thương mại được lành mạnh, minh bạch, giảm rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

            Tuy nhiên, hiện nay, các cơ chế, chính sách cho thị trường mua bán nợ ở Việt Nam cũng chưa hoàn chỉnh; chức năng, nhiệm vụ của các công ty mua bán nợ, đặc biệt là các công ty mua bán nợ tư nhân chưa rõ ràng. Vì vậy, việc nghiên cứu về thị trường mua bán nợ ở Việt Nam hiện nay và đưa ra các định hướng, giải pháp để phát triển thị trường này là vô cùng cần thiết, nhằm giải quyết cơ bản vấn đề nợ xấu tại Việt Nam.

Một số vấn đề chung về thị trường mua bán nợ

            Mua bán nợ là hoạt động kinh tế – tài chính để trao đổi và chuyển nhượng phần tài sản đặc biệt là các “khoản nợ phải thu” từ đối tượng này sang đối tượng khác. Về bản chất, đó là việc bán lại “quyền thu hồi nợ” từ một “khoản nợ phải thu” của bên bán nợ (hay còn gọi là chủ nợ) đối với khách nợ sang cho bên mua nợ để bên mua nợ trở thành chủ nợ mới của khách nợ. Rõ ràng, hoạt động mua bán nợ được thực hiện đối với các khoản nợ phải thu của chủ nợ, mà không phải là nợ phải trả của khách nợ.

            Ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ đang trong quá trình hình thành, do đó còn khá mới mẻ đối với cả người bán, người mua và cơ chế vận hành, quản lý của Nhà nước.

            Xét cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, hoạt động mua bán nợ đang được xem là một lối thoát cho doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh hiện nay. Nếu không có công ty nào tham gia vào việc mua các khoản nợ đó thì các công ty sẽ lâm vào sản xuất, kinh doanh cầm chừng, hoặc thu hẹp, thậm chí chờ xin phá sản.

            Rõ ràng, để thị trường mua bán nợ hình thành thì điều tiên quyết là phải có chính sách hỗ trợ phát triển cho các công ty chuyên mua bán nợ và tài sản tồn đọng của các thành phần kinh tế. Các công ty mua bán nợ với sứ mệnh cao cả là mua bán các tài sản, khoản nợ của các công ty sản xuất, kinh doanh đang gặp rủi ro lớn về vốn, sẽ tạo điều kiện cho các công ty nợ tái vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, cũng phải có những công ty do nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) dẫn đến nảy sinh những khoản nợ không thể tự mình trả được, sẵn sàng bán các tài sản, khoản nợ đó cho các công ty mua bán nợ.

            Cũng như mọi thị trường khác, trên thị trường mua bán nợ sẽ có các lực của thị trường: các công ty mua bán nợ là bên cầu, còn các công ty chuyển nhượng nợ là bên cung. Khi đã có cung và cầu thì phải xây dựng cơ chế vận hành, quản lý; phải có sự cạnh tranh nếu không sẽ làm cho thị trường mua bán nợ bị méo mó. Để bên cầu và bên cung hợp tác thuận lợi, hiệu quả thì cần phải có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vĩ mô tạo hành lang pháp lý cho thị trường vận hành trôi chảy như những thị trường khác.

            Nguồn cung chủ yếu trên thị trường mua bán nợ là các ngân hàng thương mại, với các khoản nợ xấu khổng lồ chủ yếu từ cho vay kinh doanh bất động sản. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN, 31/3/2012), con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay là 8,6% trên tổng dư nợ (tương đương 202.000 tỷ đồng). Đặc biệt nguy hiểm, đó là số dư nợ tập trung ở một vài cá nhân, doanh nghiệp ước tính lên đến ngàn tỷ, do vậy khả năng thu hồi nợ là rất khó khăn.

            Theo tiến trình phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp sẽ tăng lên khoảng 1 triệu doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp sẽ tăng lên, thị trường sản xuất, kinh doanh không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra toàn cầu. Khi đó, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ càng phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược tốt, năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh tốt nếu không sẽ bị rơi vào nguy cơ rủi ro cao, sẽ nảy sinh nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bán các khoản nợ và tài sản, dẫn đến nguồn cung sẽ rất nhiều và đa dạng. Lúc đó, nhu cầu mua lại các khoản nợ sẽ rất lớn.

            Trong khi đó, Việt Nam hiện có rất ít công ty mua bán nợ hoạt động, chỉ có duy nhất Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, và một số công ty mua bán nợ tư nhân. Tuy nhiên, các công ty mua bán nợ tư nhân này chỉ hoạt động với vai trò tư vấn doanh nghiệp hoặc chỉ là các tổ chức cho vay nặng lãi, vay nóng trá hình.

            Như vậy, cơ sở hình thành độc quyền mua trên thị trường là có khả năng, mà độc quyền thì sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề về tính minh bạch, vấn đề lợi ích nhóm, hiệu quả hoạt động, tiêu cực, gây phương hại cho người muốn bán.

            Có thể nói, sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ là yêu cầu khách quan hiện nay ở Việt Nam. Cũng như các thị trường khác, thị trường mua bán nợ gồm có các doanh nghiệp sẵn sàng bán (bên cung) và doanh nghiệp có nhu cầu mua (bên cầu). Nghĩa là phải có nhiều chủ thể mua bán trên thị trường, phải có cơ chế, chính sách, luật pháp tạo môi trường, hành lang pháp lý cho thị trường hình thành, hoạt động, phát triển và chịu sự quản lý của Nhà nước.

            Thị trường mua bán nợ cũng là một loại thị trường nên sẽ chịu sự chi phối của các quy luật thị trường, nhất là quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh và các phạm trù về giá cả, chi phí, lợi nhuận… Do vậy, việc phát triển thị trường mua bán nợ là cần thiết, phải hình thành trên cơ sở minh bạch, công khai về “hàng hóa” và giá cả. Đây đang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế nói chung và trong hệ thống ngân hàng nói riêng.

Thực trạng thị trường mua bán nợ Việt Nam

            Thị trường mua bán nợ ở Việt Nam mới được hình thành. Nhu cầu bán (cung) đang rất dồi dào. Hiện vấn đề nợ và nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm tỷ trọng cao, đang được báo động, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2006 – 2010 gia tăng qua các năm, nếu năm 2006 chỉ chiếm 132% trên vốn sở hữu thì đến năm 2010 đã tăng lên đến 166,6%. Tỷ lệ nợ so với tổng tài sản cũng tăng qua từng năm, tăng từ 55,7% năm 2006 lên 60,5% năm 2010.

ThS. Đào Mai Phương (Xem đầy đủ tại TTPVLĐ số 5/2013)

Tệp nội dung đính kèm

1534498.DOC

Facebook
Twitter
Email
Print