Đây là một quy định cụ thể trong Thông tư 18/2022 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành về hoạt động mua nợ, bán nợ của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cho hay vừa ban hành Thông tư 18/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 9.2.2023, theo đó sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2015 về hoạt động mua nợ, bán nợ của tổ chức tín dụng.
Thông tư mới quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ phải có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng trước thời điểm đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ, trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt. Các ngân hàng bán nợ không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng trước thời điểm ký hợp đồng mua nợ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, tổ chức tín dụng không phải đáp ứng tỉ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ trong các trường hợp như: Được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng; Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt.
Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng không phải đáp ứng tỉ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các hợp đồng mua, bán nợ được xác lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực, bên mua nợ, bên bán nợ và các bên có liên quan được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký và các quy định cũ tại Thông tư 09/2015.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng mua, bán nợ, việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua, bán nợ phải phù hợp với quy định tại Thông tư này.